[Hỏi] Làm cách nào để tôi có thể học 10 tiếng một ngày mà không cảm thấy mệt mỏi và cách biến nó thà
- Psyc Dive In Let's
- Dec 18, 2020
- 2 min read
[Trả Lời] Jordan Peterson. Giáo sư Tâm Lý Học tại Đại học Toronto, nhà tâm lý học lâm sàng, người viết luận, giảng viên và tham luận viên.

Tôi nghĩ rằng thứ nhất bạn không thể và thứ hai bạn không nên học như vậy. Chẳng ai có thể thật sự học nhiều đến thế cả. Rất ít người có thể tập trung cao độ nhiều hơn 3 tiếng một ngày.
Tuy nhiên, nếu bạn nhất định phải học nhiều đến thế thì…
• Đừng cố học quá 7.5 tiếng một ngày. Bạn sẽ chết vì mệt nếu cố làm vậy. Nhiều hơn cũng chẳng giúp ích gì đâu. Bạn không thể tiếp thu được gì khi đã quá mệt mỏi.
• Tự thưởng một ngày nghỉ mỗi tuần. Làm những gì bạn thích trong ngày này. Bạn đã chăm chỉ suốt cả tuần dài rồi, đừng ép bản thân mệt mỏi hơn nữa. Điều đó có thể trở nên phản tác dụng. Việc của bạn là học chứ không phải cố gắng để rồi chết sớm.
• Lập kế hoạch. Những phần kiến thức nào là trọng tâm của mỗi môn học? Bạn cần tập trung vào những phần này trước nhất. Hãy nghĩ rằng đầu tiên bạn cần nắm được phần dễ nhất – 50% của mỗi mục kiến thức.
• Học dần dần từ dễ đến khó. Làm quen với các khái niệm chính của mỗi mục trước. Sau đó, bạn mới nên tập trung vào các chi tiết cụ thể. Có nghĩa là bạn phải phác thảo được dàn ý chung phạm vi kiến thức đã học, giống như cách mà bạn tổng kết để làm một bài tiểu luận. Tôi đã viết một bài hướng dẫn về quá trình phác thảo dàn ý dưới đây:
http://jordanbpeterson.com/Psy430H/docs/Template.docx
• Có những giấc ngủ ngắn nhiều lần, học tầm 2 tiếng rưỡi rồi nghỉ giải lao. Ăn chút gì đó. Một vài hoạt động giải trí, xem một tập phim Simpson chẳng hạn. Rồi chợp mắt một lúc. Điều này không những nạp lại năng lượng mà còn tăng khả năng ghi nhớ những gì bạn đã học. Giấc ngủ giúp củng cố trí nhớ của bạn.
• Học một chủ đề trong tầm 2 tiếng rưỡi, sau đó chuyển sang nội dung khác. Rồi tiếp tục lặp lại như vậy.
• Đọc sách. Sau khi đặt cuốn sách xuống, tổng kết lại những gì bạn vừa đọc. Đừng nhìn vào sách khi bạn tổng kết. Bạn phải tập cách hồi tưởng, đừng lặp đi lặp lại một cách máy móc cùng một nội dung. Đây là cách luyện tập và tăng khả năng ghi nhớ. Việc lặp lại như cái máy không đem lại hiệu quả. Bạn chỉ có cảm giác như đang học nhưng lại không thấy cảm nhận được những khó khăn, trở ngại của quá trình này (cũng như là cả những lợi ích của nó). Đừng đánh dấu hay gạch chân một cách vô ích và tự lừa dối bản thân như vậy.
Dịch Giả: Khuất Phương Nhung
Nguồn: https://qr.ae/pNO5Ey
Comentarios